Tản mạn về phỏng vấn xin việc – lập trình viên

Chiều nay mới có dịp được phỏng vấn 1 bạn có 5 năm kinh nghiệm về lập trình, có bằng thạc sĩ về hệ thống thông tin. Bạn này nhìn vào hồ sơ thì đoán chắc bằng tuổi mình (vì hồ sơ bạn không có ghi năm sinh). Tuy nhiên bạn đã không được đánh giá đậu, cũng như một vài bạn khác mà mình có cơ hội được phỏng vẫn trước đó. Nguyên nhân thì cũng khá giống nhau:

1. Khả năng tiếng Anh chưa tốt:

Với một vị trí lập trình viên cho một công ty hoặc tập đoàn nước ngoài, đòi hỏi mình phải có khả năng nói tiếng Anh khá. Từ việc giới thiệu bản thân, giới thiệu công việc đã làm qua đến việc trả lời câu hỏi và phân tích các vấn đề kỹ thuật.

Tiếng Anh giao tiếp thông thường cho “được được” đã khó, tiếng Anh để giải thích hoặc phân tích một vấn đề kỹ thuật thậm chí còn khó hơn gấp mấy lần. Vì vậy, mình phải đầu tư cho việc học tiếng Anh thật nhiều.

Bản thân mình tự nhận thấy may mắn vì vốn yêu thích tiếng Anh từ hồi trung học, lên cấp 3 và đại học thì khi gặp được cơ hội để học và trau dồi mình mau chóng nắm bắt (vì thích tiếng Anh) nên khả năng của mình tự nhận là khá. Nhưng thấy khá buồn cho các bạn vì phỏng vấn vài bạn mới có được 1 bạn nói được được.

Do vậy chốt lại, khả năng nói tiếng Anh phải được trau dồi thường xuyên để có thể làm việc tốt và gây ấn tượng ngay ban đầu với người phỏng vấn bạn.

2. Khả năng giao tiếp

Thiếu tự tin trong giao tiếp cũng là một nguyên nhân khiến mình và đồng nghiệp đánh rớt các ứng viên. Chính vì thiếu tự tin dẫn đến giao tiếp kém, diễn đạt thông tin kém. Đôi khi các câu hỏi kỹ thuật mình và đồng nghiệp đưa ra không đòi hỏi người được phỏng vấn phải trả lời đúng hết 100%. Mà quan trọng hơn là cách bạn giao tiếp với người phỏng vấn, tìm hiểu cặn kẽ hơn về vấn đề được hỏi, hoặc xin các gợi ý. Đây cũng chính là mấu chốt lúc làm việc, bởi vì trong công việc chắc chắn 100% các bạn cũng như mình sẽ gặp các vấn đề mới, các kỹ thuật lạ chưa từng biết đến. Cho nên khả năng giao tiếp rất được đánh giá cao.

Thực chất các câu hỏi mình và đồng nghiệp đặt ra toàn là những câu lặp đi lặp lại, có bạn trả lời đúng nhiều, có bạn đúng ít, nhưng bạn nào giao tiếp, diễn đạt thông tin tốt hơn thì khả năng đậu cao hơn.

Tóm lại, qua góc nhìn và trải nghiệm của bản thân mình, những gì bạn bè quốc tế nhận xét về người Việt Nam hay cụ thể là tầng lớp nhân công trẻ là hoàn toàn chính xác. Thiếu khả năng về ngoại ngữ , giao tiếp, tự tin.

Hi vọng bài viết có thể giúp ích phần nào cho các bạn đã, đang hoặc chuẩn bị nộp đơn phỏng vấn để được công việc mình mong muốn.

Nếu các bạn không ghé thăm blog thường xuyên, có thể đăng ký bằng email ở bên phải để nhận thư tổng hợp các bài viết hữu ích định kỳ.

 

Leave a comment